11 SEPTEMBER 2017

Một số phương pháp đào tạo Kỹ năng mềm nhằm nâng cao tính tích cực học tập của sinh viên

 
 
 
LẠI THẾ LUYỆN
http://laitheluyen.blogspot.com
laitheluyen@gmail.com
 
 
Trong những năm gần đây, thực trạng vấn đề tuyển dụng tại đa số các doanh nghiệp cho thấy: hầu hết sinh viên mới ra trường có tỉ lệ thành công khi xin việc là rất thấp. Bên cạnh những thiếu hụt nhất định về kiến thức chuyên ngành, một lý do quan trọng phải kể đến đó chính là việc thiếu các kỹ năng mềm cần thiết, để hòa nhập và thành công trong công việc. Đáp ứng nhu cầu thực tế đó, nhiều trường đại học, cao đẳng đã bước đầu trang bị cho sinh viên một số kỹ năng mềm thiết yếu để các em có được nhiều lợi thế cạnh tranh hơn trong quá trình học tập cũng như hoạt động nghề nghiệp sau này.
Một vấn đề quan trọng được đặt ra ở đây là: Làm thế nào để hoạt động đào tạo kỹ năng mềm cho sinh viên thật sự có hiệu quả? Muốn vậy, đội ngũ giảng viên cần quan tâm trước hết đến các phương pháp đào tạo kỹ năng mềm.

 

Phương pháp đào tạo của giảng viên sẽ chi phối phương pháp học tập của sinh viên. Việc nỗ lực thay đổi phương pháp đào tạo sẽ góp phần nâng cao chất lượng đào tạo kỹ năng mềm.
Dựa trên lối tiếp cận lấy người học làm trung tâm, các phương pháp đào tạo kỹ năng mềm đều nhằm tích cực hóa hoạt động học tập của người học. Điều quan trọng là phải gia tăng sự tương tác giữa giảng viên và sinh viên, giữa sinh viên với nhau trong suốt quá trình đào tạo kỹ năng mềm. Dưới đây là những phương pháp đào tạo kỹ năng mềm cho sinh viên các trường đại học, cao đẳng:
 
Phương pháp giảng viên thuyết trình
 
Thuyết trình là dùng lời nói để trình bày nội dung bài học cho sinh viên một cách có hệ thống. Lâu nay, thuyết trình là một trong những phương pháp thường được sử dụng để giảng dạy trong các môn học lý thuyết. Tuy nhiên, thuyết trình vẫn là phương pháp không thể thiếu trong đào tạo kỹ năng mềm. Điều quan trọng đặt ra ở đây là: Làm thế nào để phương pháp thuyết trình thực sự vẫn khơi dậy được tính tích cực, chủ động của sinh viên khi học kỹ năng mềm?
Khi thuyết trình, giảng viên cần chú ý đến thời lượng thuyết trình cho mỗi phần nội dung khoảng 15 phút. Nếu thuyết trình kéo dài quá lâu sẽ khiến sinh viên dễ mệt mỏi, khả năng tiếp thu kém. Thời lượng thuyết trình cho mỗi buổi học không quá 45 phút. Thời gian còn lại, giảng viên sẽ sử dụng các phương pháp đào tạo khác.
Khi thuyết trình, giảng viên nên kết hợp với các loại phương tiện trực quan, đồng thời sử dụng các câu hỏi có định hướng để tương tác với sinh viên. Đặc biệt, phương pháp thuyết trình còn tỏ ra hiệu quả khi giảng viên sử dụng để tóm tắt lại những nội dung bài học cho sinh viên vào cuối buổi.
 
Phương pháp cá nhân thuyết trình
 
Trong thực tế đào tạo kỹ năng mềm, sinh viên phải thuyết trình về kết quả làm việc của nhóm hoặc về các vấn đề khác… Khi chuyển đổi vai trò thuyết trình từ giảng viên qua sinh viên như vậy, sẽ làm gia tăng tính tích cực của sinh viên trong học tập. Dù là thuyết trình đại diện cho nhóm hay thuyết trình cá nhân, thì thuyết trình còn tạo cơ hội rèn luyện sự tự tin cho cá nhân người thuyết trình. Khi phải thuyết trình trước lớp và diễn đạt vấn đề bằng lời nói của chính mình, sinh viên sẽ hiểu vấn đề một cách kỹ lưỡng hơn. Hơn thế nữa, thuyết trình là cơ hội để tương tác với các bạn khác trong lớp, với giảng viên trong giờ học. Đây là điều không thể thiếu để có thể hình thành các kỹ năng cho người học.
Nếu bạn sinh viên làm việc trong một dự án, thì kỹ năng thuyết trình sẽ là một trong những kỹ năng giúp họ thành công khi làm việc cùng với các thành viên khác. Nhờ đó vào kỹ năng này, các thành viên có thể hợp tác tốt với nhau hơn để cùng đem lại thành công cho dự án. Việc sử dụng phương pháp thuyết trình trong đào tạo kỹ năng mềm không chỉ giúp sinh viên thành công trong thời gian học đại học,mà còn tạo mang lại cho họ có nhiều lợi thế trong môi trường công việc sau này của bạn.
 
Phương pháp hoạt động nhóm
 
Hoạt động nhóm là một phương pháp đào tạo kỹ năng mềm mà trong đó, tạo cơ hội cho sinh viên chia sẻ ý tưởng và cùng làm việc với nhau. Thông qua làm việc nhóm, mỗi sinh viên sẽ có cơ hội học hỏi được từ những bạn khác trong nhóm để hoàn thiện kỹ năng của bản thân.
Hoạt động nhóm bao gồm cả thảo luận nhóm. Đề tài thảo luận do giảng viên khởi xướng. Để sinh viên có thể thảo luận hiệu quả, giảng viên cần xác định các trọng tâm thảo luận. Dưới sự hướng dẫn của giảng viên, sinh viên phát biểu ý kiến và tranh luận. Trong khi sinh viên thảo luận, giảng viên giữ vai trò quan sát, theo dõi để hạn chế thời gian chết.
Thực tế cho thấy, làm việc nhóm giúp sinh viên nâng cao tinh thần đồng đội cùng hợp tác và giải quyết vấn đề. Nếu số lượng thành viên trong một nhóm khá đông, thì có thể xảy ra tình trạng có một vài sinh viên sẽ thụ động, không tham gia làm việc cùng với nhóm. Do vậy, giảng viên cần phân chia số lượng thành viên phù hợp ở các nhóm, nêu rõ giới hạn thời gian và xác định nhiệm vụ cụ thể mà các nhóm phải hoàn thành. Điều đó sẽ giúp các nhóm sinh viên làm việc hiệu quả hơn.
 
Phương pháp diễn vai
 
Diễn vai là một phương pháp để đào tạo kỹ năng mà trong đó, sinh viên hoạt động dựa trên các tình huống có thật có liên quan đến các chủ đề của bài học của các môn kỹ năng mềm. Phương pháp đóng vai phát huy hiệu quả trong việc đào tạo các môn như: kỹ năng giao tiếp - ứng xử, kỹ năng phỏng vấn – tìm việc làm, kỹ năng dịch vụ khách hàng, …Chẳng hạn, sinh viên có thể đóng vai một ứng viên đi tìm việc đang phải trả lời những câu hỏi của nhà tuyển dụng, hoặc một người trực điện thoại trả lời cuộc gọi của khách hàng, hoặc một giám đốc đang ứng xử với nhân viên,… để ứng xử trong các tình huống thực tế phong phú khác nhau. Giảng viên sẽ tạo điều kiện để sinh viên có đủ thời gian chuẩn bị, hướng dẫn sinh viên thể hiện các “vai diễn” của mình một cách thích hợp, sao cho hoàn thiện được các kỹ năng cần rèn luyện.
Phương pháp đóng vai đòi hỏi giảng viên phải có kỹ năng điều khiển các hoạt động diễn ra trong lớp học, đảm bảo cho các tình huống diễn ra có tính sư phạm, phù hợp với mục tiêu của bài học, nhưng đồng thời cũng vẫn phải phát huy được tính sáng tạo của sinh viên thể hiện sống động qua các vai diễn.
Kịch bản mà giảng viên chuẩn bị cho sinh viên đóng vai phải có tính mở, nghĩa là bao gồm nhiều cách ứng xử phù hợp cho mỗi tình huống, chứ không phải chỉ có một cách ứng xử đúng hoặc sai cứng nhắc cho mỗi tình huống. Qua cách sinh viên thể hiện vai diễn, giảng viên sẽ có cơ sở để hướng dẫn, chỉnh sửa cho các em, để từ đó rút ra những bài học bổ ích.
Phương pháp đóng vai không chỉ giúp những sinh viên thể hiện vai diễn có cơ hội trải nghiệm mà cả những sinh viên ngồi quan sát cũng có cơ hội để học hỏi và nhận xét về các vai diễn. Phương pháp đóng vai sẽ mang lại nhiều hứng thú trong giờ học, nếu sinh viên là những người tự tin, có kinh nghiệm ứng xử thực tế. Trái lại, phương pháp đóng vai sẽ không hiệu quả ở những lớp học mà sinh viên còn ngại ngần, rụt rè hoặc thiếu kinh nghiệm ứng xử. Kinh nghiệm thực tế cho thấy, giảng viên không nên ép buộc sử dụng phương pháp đóng vai ở những lớp học mà sinh viên chưa sẵn sàng tự nguyện tham gia.
 
Phương pháp dạy học qua các trò chơi
 
Một phương pháp đào tạo kỹ năng mềm khá phổ biến hiện nay, đó là đào tạo thông qua các trò chơi. Trên thực tế, chúng ta thường hiểu là việc tổ chức các hoạt động trải nghiệm “học mà chơi, chơi mà học”. Phương pháp đào tạo này có ưu điểm là: kết hợp đào sâu lý thuyết qua trải nghiệm các trò chơi phong phú, vui nhộn và hấp dẫn. Những trò chơi này đã được các giảng viên thiết kế, vừa đảm bảo tính sư phạm vừa mang tính ứng dụng vào công việc rất cao. Nhờ đó, sinh viên không có cơ hội để ngồi thụ động một chỗ hay ngáp vặt mà liên tục phải vận động, liên tục động não tư duy giải quyết vấn đề…
Phương pháp này luôn đòi hỏi sự tham gia tích cực của sinh viên để khám phá sâu sắc và ghi nhớ thật lâu những trải nghiệm thú vị. Thông qua việc trải nghiệm các trò chơi, sau đó tự liên hệ với thực tiễn hoặc tập và công việc của mình, sinh viên sẽ tự đúc kết những bài học bổ ích liên quan đến kỹ năng đã học. Qua đó, sinh viên biết cách tự điều chỉnh bản thân mình, hiểu rằng mình sẽ phải làm gì để nâng cao hiệu quả làm việc cá nhân, cũng như hợp tác với người khác.
Điều thú vị khi chơi là người tham gia có dịp trải nghiệm nhiều cảm xúc phong phú khác nhau. Tuy nhiên, nếu không lựa chọn được những trò chơi phù hợp hoặc không khéo sử dụng, thì các hoạt động trò chơi sẽ mất nhiều thời gian. vàiGiảng viên cần lưu ý khi tiến hành các trò chơi,, đó là: nếu để sinh viên chơi “hăng” quá nhiều khi lại “phản tác dụng” - nghĩa là quên hẳn đi mục tiêu chính yếu của việcchơi là “chơi để học”. Khi kết thúc trò chơi, giảng viên sẽ phải nêu những câu hỏi như: “Bạn có cảm nghĩ gì khi chơi mà không có sự giúp đỡ của các bạn khác trong nhóm? Thế còn trong công việc, bạn cắm cúi làm việc một mình thì kết quả sẽ như thế nào?”… Cứ thế, qua các câu hỏi gợi mở của giảng viên, các em sinh viên sẽ được đặt hết trong tình huống cụ thể này đến tình huống cụ thể khác. Trong những tình huống cụ thể như thế, với những câu hỏi mang tính gợi mở của giảng viên, sinh viên không thể không động não suy nghĩ để tự tìm ra câu trả lời cho vấn đề của mình.
Trên thực tế, có những bài học mà người tham gia có thể tự rút ra ngay sau khi kết thúc trò chơi, nhưng cũng có những bài học quan trọng hơn mà sinh viên chỉ có thể rút ra sau một thời gian dài - khi đã gắn các tình huống của trò chơi với tình huống thực tiễn công việc sau này của mình.
 
Phương pháp nghiên cứu tình huống
 
Phương pháp nghiên cứu tình huống có thể sử dụng trong đào tạo kỹ năng mềm, trong đó, giảng viên thiết kế các bài tập tình huống phù hợp với từng phần nội dung đào tạo của từng kỹ năng cụ thể. Những tình huống được đưa ra sẽ giúp sinh viên có cơ hội trải nghiệm thực tế và họ sẽ phải vận dụng kiến thức đã học để giải quyết tình huống. Qua đó, sinh viên có thể hình thành được các kỹ năng cho bản thân mình. Để sử dụng phương pháp này một cách hiệu quả, giảng viên cần lựa chọn các tình huống có tính điển hình, để sinh viên có thể suy nghĩ, thảo luận và tìm ra các câu trả lời.
Giảng viên có thể sử dụng phương pháp này trong bất cứ bài học nào, để kết nối những gì sinh viên học trong lớp với những tình huống thực tế của cuộc sống. Phương pháp này có thể góp phần làm cho những gì sinh viên học ở trường trở nên gắn bó với thực tiễn cuộc sống và công việc của các em sau khi ra trường.
 
Phương pháp hướng dẫn sinh viên tự học
 
Hướng dẫn sinh viên tự học là quá trình giúp sinh viên hoạt động thông qua một vấn đề và qua đó, sinh viên có thể tự tìm ra câu trả lời cho chính bản thân họ. Vai trò của người giảng viên là cung cấp các công cụ mà sinh viên cần để giải quyết vấn đề. Trong quá trình sinh viên thực hành, giảng viên có thể theo dõi và hướng dẫn sinh viên khi cần. Phương pháp này đặt trách nhiệm chính lên sinh viên, khuyến khích tính tích cực, chủ động của sinh viên trong học tập. Sinh viên sẽ phải tích cực tư duy, huy động các kinh nghiệm, kiến thức có liên quan của mình để giải quyết vấn đề, tìm ra câu trả lời đúng. Giảng viên tuyệt đối không được làm thay công việc của sinh viên mà chỉ hướng dẫn họ trong quá trình tìm ra câu trả lời cho vấn đề.
Phương pháp này nếu được vận dụng tốt sẽ giúp sinh viên gia tăng tính độc lập trong việc giải quyết các vấn đề trong môi trường làm việc thực tế sau này. Tuy nhiên, nhược điểm của phương pháp này là tốn nhiều thời gian. Giảng viên tuyệt đối không được hối thúc sinh viên phải mau chóng tìm ra câu trả lời, mà hãy để sinh viên được cảm thấy hứng thú với các hoạt động của họ.
 
Kết luận
 
Qua những gì đã trình bày ở trên, chúng ta thấy mỗi phương pháp đào tạo kỹ năng mềm đều có ưu và nhược điểm riêng. Để hoạt động đào tạo có hiệu quả, mỗi giảng viên cần lựa chọn và sử dụng kết hợp các phương pháp trong đào tạo kỹ năng mềm. Trên thực tế, việc lựa chọn các phương pháp sẽ phụ thuộc vào mục tiêu của từng bài học, mục tiêu đào tạo từng kỹ năng mềm cụ thể, vào quỹ thời gian cho phép cũng như phải xem xét đến những điều kiện thực tế cơ sở vật chất tại lớp học.
Việc lựa chọn và sử dụng các phương pháp đào tạo nhằm tích cực hóa hoạt động học tập của người học, sẽ góp phần nâng cao chất lượng đào tạo kỹ năng mềm cho sinh viên.
 
TÀI LIỆU THAM KHẢO
 
1. Donna Karlin, The Power of Coaching, ISBN 978-87-403-0224-0, 2002.
2. Harold L.Taylor, How to increase the effectiveness of your training, ISBN 978-87-403-0670-5, 2014.